Thực trạng Nạn phá rừng ở Việt Nam

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. Từ tổng hợp của 58 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, trong khoảng 5 năm qua, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng gần 38.300 ha/1.892 dự án. Trong đó rừng tự nhiên gần 19.000 ha, rừng trồng hơn 15.800 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp trên 3.500 ha.[3] Đáng lưu ý, một số vụ phá rừng nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Bắc Kạn, Điện Biên được phát hiện chậm.Theo Bộ NN&PTNT, chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, gây bức xúc trong xã hội.

Tây Nguyên

Chỉ trong 5 năm (tính đến 2013), khu vực Tây Nguyên mất đến hơn 130.000 ha rừng (trong số 2,84 triệu ha). Trong đó rừng tự nhiên mất hơn 107.400 ha, rừng trồng mất trên 22.200 ha.[4] Trong 5 năm qua các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho hơn 700 dự án trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 216.000 ha, trong đó có hơn 100.000 ha chuyển sang trồng cao su. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp lợi dụng dự án để chiếm phá, khai thác rừng hoặc không đủ năng lực tài chính, thiếu trách nhiệm khiến rừng bị tàn phá, lấn chiếm trái phép. Từ đầu năm 2017 đến nay phát hiện 757 vụ, tăng 88 vụ (13%), diện tích rừng bị thiệt hại gần 420 ha, tăng 145 ha (trên 50%) so với cùng kỳ 2016.[4] Tại Đắk Nông, diện tích rừng bị phá từ đầu năm đến nay tới 225 ha, tăng gần 100 ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Tây Bắc

Ở khu vực Tây Bắc được nhắc đến nhiều là ở tỉnh Điện Biên. Tại huyện Mường Nhé, từ năm 2016 đến 9/2017, đã phát hiện 295 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 288 ha rừng.